Liên lạc của tôi.


Tuesday, June 11, 2019

Mưa hồng (st. Trịnh Công Sơn) và góc nhìn của mình.

Hổm rày có người hỏi mình, bạn tự soạn bài nhạc kia, nhờ gợi ý bỏ hợp âm cho 1 chỗ mà mãi bạn cứ tắc hoài không có vừa lòng, cụ thể là bài “Mưa hồng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có câu “ôi yêu thương nghe đã buồn” trong tone C.
Mình trả lời là không biết, nhưng có thể lựa chọn B7b9 (b9 là note giai điệu) về Em. Bạn hỏi “tại sao lại không biết?”.
Đó là một câu hỏi khó. Thông thường sẽ có nhiều người dựa vào thói quen - nghĩa là những bài tập phản xạ hay tập để đem vào bài hát, hoặc dựa vào kinh nghiệm - nghĩa là đã từng nghe, từng thấy cách sử dụng cho câu nhạc tương tự. Kể cả mình đôi khi cũng thế.
Suy cho cùng thì có cả ngàn cách để lý giải dù chỉ là một chuyển đoạn nhỏ, giữa vài ba phách hoặc cả khuôn nhịp. Dựa vào cảm giác của mỗi người mà lựa chọn một phương án “giải quyết” nghĩa là đưa ra một cảm giác và kết thúc cảm giác đó bằng một cảm giác khác.

Bản thân mình cũng đã từng mắc kẹt trong rất nhiều câu hỏi, và giữa muôn ngàn câu trả lời thỏa đáng, mình vẫn chưa hài lòng. Nhưng suy cho cùng, cũng như rất nhiều yếu tố khác của sự chuyên nghiệp, thì đầu tiên là “đừng sai là được”.
Mình sẽ mượn bài Mưa hồng, ghi lại cách nhìn nhận của mình, cũng là từng bước tập luyện của mình để mọi người tham khảo. Bản này mình đã soạn từ hồi lâu. Nhưng tới giờ vẫn không đủ giỏi để hoàn thiện bài này. Xin đừng khen chê vì dù gì đây cũng chỉ ở mức độ cá nhân.

1. Đừng bỏ qua nội dung. 
Tất nhiên mình không phải dân chuyên nghiệp. Nhưng bỏ qua việc tìm tòi nội dung của tác phẩm là lý do đầu tiên khiến bạn chưa thể “lên tay” được. Nhạc sĩ hay nghệ sĩ là những người kể lại câu chuyện của tác giả. Không thể kể về những gì chúng ta không thể hiểu rõ được đúng không ? Bước này với mình chiếm tới 60% thành công của bài nếu đã nghiêm túc soạn 1 bài nào đó bất kể đã có ý tưởng lên bài hay chưa.
Đọc qua lời giai điệu, tưởng tượng. Okey. Một bài hát miêu tả nét đẹp “buồn” của người con gái bằng những hình tượng rất nhẹ. Sâu trong đó là cái nỗi buồn rất kín của tác giả. Đừng quên cái tựa “Mưa hồng”, dù trong bài không hề nhắc tới hai chữ này. Nó là cơn mưa màu hồng, hay cơn mưa ánh màu hồng từ người con gái ?
Sau khi ok rồi, hãy ra quyết định. Một bài nhẹ nhàng, chỉ một chút lắt léo với những đoạn miêu tả nỗi buồn của cả 2 người. Done.


2. Lựa chọn tone cho bài soạn của mình.
Thông thường chúng ta nên tôn trọng tone gốc do tác giả đề ra chứ không nên theo quãng giọng của ca sĩ. Nghe có vẻ buồn cười nhưng lựa chọn tone cũng quyết định thành bại khá cao (khoảng 20%).
Mỗi tone sẽ tạo ra một màu sắc khác nhau cho bài hát. Mình lựa chọn tone C trưởng. Đủ nhẹ, nhưng tính buồn cao hơn một chút như mình muốn. Ví dụ khác chọn D trưởng, bài hát sẽ sáng hơn. Nhưng sẽ rất khó để diễn tả những niềm của riêng tác giả. Tất nhiên tùy cảm nhận mỗi người.
Và một số đoạn nhỏ khi chuyển tone khác sẽ mất đi hiệu quả của nó. Ok. Qua bước tiếp theo.


3. Intro
Không quá khó. Một số bản phối thì bưng ra nguyên si giai điệu của bài để làm intro (nghĩa là bạn có thể tạm bỏ qua bước này cho đến khi đã soạn xong bài).
Một số khác sử dụng những bước di chuyển thường gặp (V iii ii I, hoặc vòng 4th, tùy sở thích và tưởng tượng giai điệu intro).
Với mình nội dung bài hát không yêu cầu quá nhiều về intro. Mình thiên về hướng kể chuyện và giai điệu nên sẽ lựa chọn đơn giản.
Freely C - Caug - G7b13 về C sus 4 là đủ.
tips: Đừng nhầm lẫn Caug ( C E G#) và Fm ( F G# C) , một vài trường hợp chúng nghe rất giống nhau, nhưng theo kinh nghiệm của mình bưng dù chỉ note F vào sẽ rất khó xử lý. Hãy tự cảm nhận để lựa chọn.

4. Đi vào từng phân đoạn
Đây là lời bài hát kèm theo chord mình soạn. Những đoạn in nghiêng là đoạn mình cảm thấy cần làm nổi bật nó lên nên sẽ có sử dụng cái gì đó để tạo cảm giác ( kèm giải thích). Nếu có hứng thú có thể xem thử. Nhưng nhắc lại, hãy chú ý tới lời bài hát vì đó là cơ sở để mình bỏ chord như vậy.

 Trời ươm nắng cho mây hồng                                C                 F    
Mây qua mau em nghiêng sầu                                  D7/F#       Em
+ chỗ này mình muốn nhấn mạnh nó 1 chút xíu, nhưng không muốn tạo cảm giác gãy quá nhiều như dim, nên mình mượn tạm D7/F# từ tone G do đó một phần nào đó cũng tự nhiên để về Em.

Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm          Eb    Dm    G (hoặc C/E)
+ chữ xuống note giai điệu là B, nhưng mình muốn có 1 chút màu sắc lạ đồng thời tự nhiên để qua Dm nên quyết định chuyển thành note Bb và mượn Eb của tone Cm.
Tuy nhiên đây là chỗ mình khó chịu nhất vì thực tế nó đổi note giai điệu của bài hát.
Nhưng mình không nghĩ ra được cách nào khác (ví dụ như A9 cũng được, nhưng với mình nó hơi gượng).

Mây âm thầm mang gió lên.                                      Bbadd 9       G         
+Chung ý tưởng. Tiếp tục mượn Bb của âm giai C thứ tự nhiên. Tuy nhiên cách này đôi lúc chỉ hiệu quả khi chỉ làm 1 lần, sự lặp lại của nó sẽ rất khó chịu. 2 đoạn sau có thể chỉ cần dùng F là đủ, hoặc ngược lại, để dành cái này cho đoạn sau.
Một số trường hợp khác mình cũng hài lòng với chuyện dùng Gm11 để thay thế.

Người ngồi đó trông mưa nguồn                              C                 Am
Ôi yêu thương nghe đã buồn                                     B7b9          Em
+ Không thể lặp lại như đoạn 1. Cho nên mình dùng Am để giữ sự buồn, vì nếu dùng F thì sự buồn này sẽ bị lướt qua khá nhanh. B7 về Em là hợp lývà nếu khéo, có thể cảm giác được 1 chút sự “sáng” ở trong cái dominant này. Như mình đã nói, phần này nếu ở tone D sẽ không có hiệu quả cao như tone C .
Nếu táo bạo hơn, bạn có thể nghĩ tới thay thế Am bằng F#m7b5 để ra được 251 cho Em. Tuy nhiên mình khuyên là đừng dùng trừ khi tiết tấu đủ nhanh.

Ngoài kia lá như vẫn xanh                                                     Am    Am7/G      F#m7b5
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng             Dm            C 
+ Không có quá nhiều để giải thích, nhưng hãy chú ý tiết tấu cho từng chord và câu chữ để đạt hiểu quả tốt nhất.

Nay em đã khóc chiều mưa đỉnh cao                       Gm13      C          (G/B)      
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu                            Am    Em/G       
Em đi về cầu mưa ướt áo                                         Dm     Gadd9    
Đường phượng bay mù không lối vào                      F(13)    Am      
Hàng cây lá xanh gần với nhau                               G            Fm(13)    Gsus
+ Thực ra soạn tới đây mình vẫn thấy rất mịt mờ. Mình tham khảo nhiều bản phối khác nhưng cũng ít bản này thực sự tự nhiên. Trong suy nghĩ của mình ở câu đầu mỗi chữ có thể bỏ được 1 hợp âm. Tuy nhiên để qua được câu thứ 2 thì ý tưởng đó thực sự tệ. Mình quyết định đơn giản nhất là dùng Gm13 (thực ra 13 hoặc là Galter gì cũng được) cho 4 chữ đầu đó hy vọng tiết tấu chậm sẽ cứu vớt được phần nào. Tuy nhiên chuyển qua câu 2 thì thực sự vẫn bí.
Đặc biệt hơn, câu 3 và 4 nhìn qua thì sẽ cảm giác rất là ngược, nhưng mình cũng chẳng biết phải giải quyết như thế nào. Và câu chốt thì thực sự vụng về.

Và đây là 2 phân đoạn cuối. Mình không điền hợp âm vào vì tưởng cũng tương tự với đoạn đầu. Đoạn chốt hạ có thể mình sẽ đổi như phần mình đã ghi, nhưng với mình nó chưa đủ cho chuyện “nằm xuống nghe tiếng ru”. Thế nên nếu phải lựa chọn, mình sẽ cho giai điệu chạy 1 mình.

Người ngồi xuống mây ngang đầu 
Mong em qua, bao nhiêu chiều 
Vòng tay đã xanh xao nhiều 
Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du

Người ngồi xuống xin mưa đầy                                Am        E7/G#     
Trên hai tay cơn đau dài                                          F#m7b5          F9sus
Người nằm xuống nghe tiếng ru                               
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ 

Ở bài này, mình chỉ lên ý tưởng về hợp âm cơ bản dựa vào cảm tính, và thay thế những chỗ nào cảm giác phải nhấn nhá bằng các kỹ thuật đơn giản như mượn của Cm và C lydian... Tuy tự mình chỉ đánh giá bài này được 3.5/10 điểm nhưng phần nào nó cũng có nhiều cái lý của nó. Sự vụng về mà mình mắc phải phần lớn không nằm trong việc mình đánh cái gì, mà nó mô tả giai điệu như thế nào.
Không sao, thứ mình muốn nói đến là “trình tự” nhiều hơn là nội dung. Mình cũng ước mình đủ giỏi để hoàn thiện bài này nhưng còn xa quá. Đây là cách mình thường xuyên phải luyện tập để có được phần nào cảm giác nhanh nhạy khi soạn bài mà mình muốn chia sẻ thôi.
Nếu có thêm ý kiến thì cứ thoải mái trao đổi.